OLP & ACM Hanoi site 2010

Như vậy là OLP’10 đã khép lại, tự nhiên muốn viết chút xíu, gọi là review:

Cảm nhận đầu tiên về công tác tổ chức là hơi… thất vọng. Đã tham gia 3 kỳ OLP với tư cách thí sinh nhưng theo cảm nhận cá nhân, chưa năm nào công tác tổ chức OLP tệ đến vậy.

Bước chân vào ĐHQG, dù băng-rôn được treo rộn ràng nhưng… vắng bóng tình nguyện viên. Chỉ thấy từng tốp từng tốp sinh viên mặc áo VNPT đứng đùa giỡn với nhau làm mình tưởng đó là sinh viên các trường đã được phát áo rồi mang ra mặc chơi – thật là nực cười. Hậu quả là các trường không hiểu phải đăng ký ở đâu, trình tự ra sao. Khu vực đăng ký được chia làm 2 bàn, 1 để đăng ký, 1 để nộp lệ phí thi; cô em xinh đẹp luôn chuyển danh sách các đội đăng ký xuống cuối, và chi thu ngân cũng lấy từ cuối lên. Nên thật trớ trêu, các đội đến sớm cứ đứng chờ mãi mà không được giải quyết. Thôi thì như một thầy trưởng đoàn nói: “Yên tâm, tập các đội là hữu hạn mà, kiểu gì cũng tới lượt”.

Tất cả các hoạt động của OLP luôn luôn chậm so với lịch, ít nhất là 30 phút, có khi là hơn 1 giờ. Lễ khai mạc, chậm. Lễ bế mạc, chậm. Các buổi thi, chậm. Điển hình là buổi test máy ACM, chậm tới hơn 1 giờ. Buổi thi chính thức cũng chậm hơn 1 giờ. Chỉ thương cho những sinh viên miền Nam không chịu nổi cái lạnh Hà Nội mà cứ phải co ro ngồi chờ, hết cả nhuệ khí thi cử. Trong khi đó, các tình nguyện viên tung tăng cầm bóng đến phòng thi vừa đi vừa chụp hình. Có tới 16 đội nước ngoài và hơn 100 đội Việt Nam đang nhìn vào những hành động đó, thật lố bịch.

Nhớ năm đầu tiên ĐH Công nghệ tổ chức, tất cả các thí sinh cảm thấy thật dễ chịu. Từng team bước qua cổng lớn vào sân thi đấu khi tiếng gọi qua loa cất lên thật trang trọng. Năm nay, thí sinh đứng ở… đường để chờ, một mình bác Long “cò” gân cổ gào tên từng team vào phòng.

Lễ bế mạc và trao giải được coi là tổ chức úi xùi và nhạt nhẽo chưa từng có, có vẻ như chỉ là một công việc cho hết nhiệm vụ tổ chức. Vẫn sử dụng cặp MC của lễ khai mạc khi nam MC thậm chí không thể đọc một câu tiếng Anh tử tế – dù sao anh cũng có thể tự hào là tiếng Anh tốt hơn bác Long “cò”. Năm 2005, ĐH Bách Khoa tổ chức trao giải ở Văn Miếu. Năm 2006, ĐH Công nghệ tổ chức một lễ tra giải hoành tráng tôn vinh Nhà vô địch ACM với nhạc và pháo hoa cùng sự trịnh trọng đến chuyên nghiệp. Năm 2007, ĐH Đà Nẵng trao giải trong bữa tiệc bế mạc, tuy vui vẻ nhưng rất trịnh trọng. Năm nay, giải thưởng cao quý nhất: Cúp vàng siêu cúp – được trao cùng chiếc cúp màu…đồng. Không có cúp bạc và cúp đồng nào được trao dù chúng đã có chủ. Cúp vàng được trao nhanh đến nỗi khó có ai trong khán phòng phân biệt được sự khác biệt của nó với những giải còn lại.

Sau lễ bế mạc là tiệc bế mạc tại nhà ăn sinh viên ĐH Ngoại ngữ, hơn 700 con người được ấn định trong nhà ăn có sức chứa chưa tới 200 chỗ. Bác Long “cò” không còn cách nào khác, rút tiền đưa cho các đội để đi ăn ngoài. Ừ, đưa thì ta nhận. Dẫu sao cũng là ban tổ chức làm không hết trách nhiệm.

Năm 2005, ĐH Công nghệ lần đầu tiên tổ chức ACM đã gây được cảm tình lớn, là bằng chứng để ACM ở lại Việt Nam, là nơi khao khát của sinh viên IT. 5 năm sau, mọi chuyện đã khác.

Bỏ qua sự yếu kém trong khâu tổ chức, OLP’10 là sự thành công vượt trội của ĐH FPT. Nhân đây cũng điểm qua một số “anh tài” và thành tích ấn tượng của ĐH FPT tại OLP’10.

Nhân vật xuất sắc nhất tại OLP’10: Trần Hải Đăng – Cúp vàng Siêu cúp. Với đam mê, khát khao và những nỗ lực không mệt mỏi, Cúp vàng Siêu cúp là phần thưởng xứng đáng dành cho Đăng.

Hồ Vĩnh Thịnh – giải ba Siêu cúp – một tài năng trẻ, hứa hẹn còn nhiều thành công.

Lê Anh Quân – giải nhì Chuyên Tin. Bước vào trường ĐH mà không biết chút gì về tin học, giờ đây em được liệt kê vào dạng “hàng khủng” với những cố gắng liên tục. Khi mới tiếp nhận đội vào tháng 7, thầy đánh giá em còn rất…tầm thường nhưng Quân đã chứng tỏ được sự tiến bộ qua từng tuần thi. Và giờ, rất nhiều người phải nhìn em với con mắt ngưỡng mộ.

Các đội tuyển ACM đã có những thành tích chưa từng có. Bất chấp việc ACM năm nay có quá nhiều các đội mạnh tới từ nước ngoài và việc ra để thi chưa thực sự hợp lý*, 3/6 đội giành giải 3 khu vực. 2/6 đội trong top 5, 3/6 đội trong top 10, 4/6 đội trong top 20 Việt Nam.

uP (Trần Hải Đăng, Lê Thanh Quảng, Phạm Lê Quang – Solved: 8/11): Một chút nuối tiếc vì chưa giành chiến thắng trên sân nhà. Giấc mơ World Final được đặt cược tại Malaysia. Chúc các em thành công!

Turtle’s Coder (Lê Anh Quân, Nguyễn Thành Trung, Hồ Vĩnh Thịnh- Solved: 8/11): Ừ, đặt tên vậy là vì đội code chậm. Chậm là vì lúc đó Trung và Thịnh không hề biết C hay C++. Dù đã mất gần như toàn bộ thời gian cho chuyến học GDQP tại Xuân Hòa, song các em đã nỗ lực, các em đã xứng đáng. Accept 2 bài trong 1 giờ cuối cùng, không còn chậm nữa rồi. Lại mang rùa sang Malaysia và chúng ta lại “nói chuyện” tiếp. Hai gương mặt này rồi sẽ là chủ lực của FPT trong những năm tới.

GUEST (Đặng Trần Tiền Vinh, Lê Nam Phương, Nguyễn Phan Quang Nhật- Solved: 7/11): Chưa có đội nào chỉ có 1 người code mà đứng cao như vậy. Thì ra Vinh có HC Toán Quốc tế. Đề thi này chưa hợp với tụi em. Đề khó hơn thì các đội khác phải dè chừng.

Và giờ, hãy viết tiếp giấc mơ World Final tại Malaysia. Chúc các em thành công!

Bonus thêm 1 giải 3 Mã nguồn mở cho nó đủ mọi hạng mục vậy.

Thay cho lời kết, xin lấy 2 câu trong bản báo cáo OLP’10:

Trường ĐH Tư thục đầu tiên đạt Cúp Vàng Siêu cúp

OLP’10 chứng kiến sự lên ngôi của ĐH FPT

Theo đánh giá cá nhân: Đề thi năm nay không thực sự tốt và tự gây khó cho các đội Việt Nam. Đề thi gồm quá nhiều bài ở dạng cơ bản một cách lộ liễu khiến các đội phải lao vào cuộc đấu về thời gian. Code nhanh và nhiều chưa bao giờ là thế mạnh của các đội VN so với các đội nước ngoài. ĐH Công nghệ nhanh chóng đưa 2 đội dẫn đầu sau 30ph đầu tiên, nhưng không đủ sức chạy một quãng được dài. Thành ra cuộc đấu đã ngã ngũ ngay sau 1/2 thời gian khi ArcOfDream đã sớm giải được 10/11 bài, NTU cũng có 9/11 bài sau thời gian thấp đến kinh ngạc 490 phút.

Note được viết sau OLP & ACM 2010, được copy qua GURUnH. 4 năm sau ĐH FPT đã giành vé dự World Final với đội tuyển Runs of Champion với các thành viên đã tham gia và toả sáng ngay từ 2010 – năm đầu tham dự, gồm Lăng Trung Hiếu, Nguyễn Thành Trung, Hồ Vĩnh Thịnh.