Thế giới của những lập trình viên đang thay đổi

Ngày hôm qua, tôi có viết 1 status về việc những lập trình viên (LTV) cần phải nhanh hơn nữa. Thật là khó để diễn tả hết lý do trong 1 status ngắn, nên post này tôi hy vọng sẽ nói được nhiều hơn 1 chút.

Thế giới ngày càng khắc nghiệt…

20 năm, 10 năm trước, chuẩn mực của một LTV là gì? Dù là béo phì (LTV Mỹ) hay gầy còm (LTV Việt) thì cũng đều căng thẳng, đầu tóc rối bời, những cặp kính cận lớn và… xa lánh cộng đồng; họ đặt mình vào những căn phòng với thuốc lá, bia, chất kích thích và chỉ giao tiếp với nhau hoặc với máy tính. Chẳng khó để nhận ra một LTV trong đám đông.

Ngày nay, thật khó để nhận ra một LTV trong đám đông. Tôi xin lỗi, song dấu hiệu duy nhất để tôi nhận ra những đồng nghiệp của mình là họ thường mang theo laptop. Vậy thôi. Những LTV ngày nay, họ quá giống một người bình thường với áo thun, quần jeans, đầu vuốt keo, đôi khi cùng khuyên tai hay quần tụt.

Công bằng mà nói, những LTV ngày nay đang có cuộc sống xã hội phức tạp hơn. 20 năm trước, LTV là những người đi tiên phong trong ngành CNTT với chỉ số IQ bắt buộc phải nằm trong top 10% nhân loại, họ luôn phải giải quyết những bài toán khó đòi hỏi nền tảng khoa học tốt; và họ tạo cho mình 1 đặc quyền: tách ra khỏi đời sống xã hội. Giờ đây, như xu thế của mọi ngành công nghiệp phát triển khác, việc lập trình trở nên đại chúng hơn, và LTV dần mất chất hơn. Họ bị kéo trở lại đời sống xã hội bình thường.

Và góc nhìn của LTV cũng buộc phải thay đổi. Cảm giác của LTV cũng buộc phải thay đổi. 20 năm trước, LTV vui mừng vì viết ra 3 dòng code giúp tiết kiệm được 1KB bộ nhớ sau 1 tuần trăn trở. Giờ đây, LTV vui mừng vì tạo ra sản phẩm giúp ích tới hàng ngàn người dùng. Hệ quy chiếu thay đổi, và thước đo cũng đã thay đổi. LTV thay vì đặt mình trong một không gian riêng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đoạn code về mặt khoa học thuần tuý; giờ họ buộc phải gắn mình với đời sống kinh doanh phức tạp hơn: Tiết kiệm 1KB bộ nhớ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không mang lại giá trị cho người dùng. 20 năm trước, những LTV được coi là tệ hại nếu không biết cách tiết kiệm thêm 10KB bộ nhớ. Ngày nay, những LTV được coi là thiếu đạo đức nếu viết ra những dòng code tuy tối ưu nhưng khiến đồng nghiệp khó hiểu. Tất nhiên, ở đâu đó trên thế giới, hệ quy chiếu truyền thống vẫn tồn tại, nhưng nó đang ít dần đi.

Và rồi những LTV truyền thống cảm thấy thất vọng, họ thấy thật nực cười khi phải quan tâm tới những giá trị mang lại cho khách hàng, bực bội khi phải quan tâm tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Không, tôi muốn làm thế này, vì nó chạy rất nhanh, vì nó là thử thách, vì tôi muốn giải quyết bài toán này... Họ bị stress khi bị lôi trở lại đời sống xã hội phức tạp, nơi những giá trị kinh doanh là thứ họ chưa bao giờ muốn biết. Tôi chỉ muốn lập trình thôi, trời ơi. – một LTV gào lên và ngay lập tức ông chủ của anh ta sẽ đáp lại: Anh bạn à, một bức ảnh đẹp phải được đo bằng view và like chứ không phải vì nó tuân theo tỉ lệ vàng. Thế đấy.

Nhưng thế giới cũng đang đẹp hơn…

Những LTV chân chính có cảm giác rằng LTV không còn là một nghề cao quý và đáng trân trọng khi mà công việc lập trình được bình dân hoá đến mức #kids_can_code và luôn bị cuốn theo giá trị kinh doanh của doanh nghiệp. Song không thể phủ nhận rằng, cuộc sống của họ đang tốt dần lên chính nhờ những điều đó. Họ biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới, hoà nhập hơn đồng nghiệp và xã hội. Họ có thời gian để tập gym, quan tâm tới thời trang, những show ca nhạc… thay vì chỉ vùi đầu trong những đoạn code và chất kích thích.

Nhưng không có nghĩa là những LTV chân chính muốn mất đi không gian riêng. Họ vẫn muốn và vẫn cần có những không gian để không quan tâm tới giá trị kinh doanh, rời xa những ồn ào hiện tại và quay trở lại niềm vui chỉ với những dòng code. Đấy là lý do hàng loạt những website như topcoder, projecteuler, hackerrank… ra đời cùng hoạt động Code Retreat, Code Kata… Và doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng đến những hoạt động như Hackathon nơi họ cố gắng tạo ra một không gian để nhân viên của mình được làm  những LTV chân chính dù chỉ 1 vài lần trong năm.

Cũng giống như mọi ngành nghề khác, nhiều LTV không muốn nghề nghiệp của mình bị bình dân hoá; nhưng số nhiều và toàn xã hội lại hưởng lợi khi công việc này trở thành đại chúng với những con người cân bằng giữa công việc và đời sống xã hội. Nhưng cuộc chơi giờ là vậy, những LTV, hãy sống cân bằng, biết cách giao tiếp với đồng nghiệp, quan tâm tới những chỉ số kinh doanh và giá trị mang lại cho khách hàng. Nhưng đừng quên rằng, vẫn còn đó những nơi cho chúng ta không gian để chỉ quan tâm tới kỹ thuật, chỉ sống như một LTV chân chính. Hãy tìm lấy không gian để sống như một LTV chân chính nếu bạn thực sự là một LTV chân chính 🙂