Trong quá trình đào tạo, tư vấn về Agile, tôi nhận được nhiều câu hỏi về “nhóm không chủ động đưa ra suy nghĩ, ý tưởng, thảo luận”, đây là vấn đề lo ngại rất cơ bản. Nhưng rất ít người nhận ra một vấn đề trái ngược hoàn toàn – nhóm có quá nhiều ý tưởng và thảo luận – điều mà tôi thấy xuất hiện nhiều hơn trong thực tế, ở một số nơi tôi huấn luyện.
Khi triển khai Agile, tư tưởng đề cao nhóm (phát triển) được cổ vũ, nhóm hiểu rằng mình là nòng cốt, trung tâm, quyết định thành bại của việc phát triển (được ScrumMaster và Product Owner hỗ trợ hết mức trong Scrum). Những thành viên trong nhóm (phát triển) yêu cầu thảo luận và tham gia thảo luận vào mọi vấn đề, và dường như không có một điểm dừng cụ thể. Tôi gọi đó là hội chứng nghiện thảo luận. Bài viết đề cập tới hội chứng này trong nhóm phát triển Agile/Scrum.
Dấu hiệu
Hội chứng nghiện thảo luận có thể được nhận biết qua những dấu hiệu:
Quá nhiều ý tưởng không được quản lý. Các thành viên nảy ra ý tưởng và thảo luận mọi lúc mọi nơi: trong các cuộc họp, trong ngày làm việc… , được đưa ra song không được ghi chép, lưu trữ lại.
Liên tục thảo luận không theo kế hoạch. Mỗi khi một ý tưởng được đưa ra là bắt đầu ngay một cuộc thảo luận không có dự định trước. Hai thành viên thảo luận bên ly cafe. Nhóm thảo luận trong buổi họp hàng ngày…
Liên tục đặt câu hỏi hoặc thảo luận trên những miền kiến thức khác với chủ đích không rõ ràng. Khi công việc đã được gán cho một thành viên cụ thể, các thành viên khác vẫn luôn mốn thảo luận thêm về cách làm. Lập trình viên quan tâm quá mức tới từng bước nhân viên marketing giới thiệu về sản phẩm và đóng góp ý kiến.
Liên tục mở rộng ý tưởng. Khi một ý tưởng được đưa ra, cuộc thảo luận bắt đầu, ý tưởng khác lại phát sinh, lại tiếp tục thảo luận không có hồi kết.
Tất cả chỉ là ý tưởng, không có nhiều hành động cụ thể. Hiệu suất sản sinh ý tưởng của nhóm vượt xa hiệu suất thực thi, nhóm dành 1/2 thời gian để sinh ra 8 ý tưởng khác nhau mỗi tuần và dành 1/2 thời gian còn lại để thực hiện 1 ý tưởng không rõ ràng.
Thực thi trên những thứ không rõ ràng. Khi thực thi một ý tưởng, những yêu cầu dừng ở mức chung chung, không rõ ràng, khiến việc thảo luận tiếp tục không dừng.
Hệ quả
Tốn thời gian. Tốn tiền.
Nguyên nhân
Hội chứng nghiện thảo luận tới từ việc thiếu cách làm việc khoa học, trong khi nhóm được cổ vũ quá mức. Sức mạnh của nhóm là không thể nghi ngờ, trí tuệ đám đông thì tốt. Nhưng khi tổ chức cổ vũ nhóm thì cũng cần song song với đó trang bị cho nhóm cách làm việc khoa học, nhận biết những vấn đề nào nhóm cần thảo luận và vấn đề nào thì không. Những thành viên trong nhóm phát triển có tần suất ra ý tưởng nhiều hơn cả Product Owner (nhóm Scrum) thường là không tốt.
Loại bỏ
Đừng nhầm lẫn giữa loại bỏ hội chứng nghiện thảo luận và loại bỏ thảo luận, giữa loại bỏ hội chứng nghiện ý tưởng và ý tưởng. Ý tưởng và thảo luận luôn luôn là điều tuyệt vời, song nhóm cần thực hiện khoa học hơn
Hãy đảm bảo có các buổi họp / workshop để brain storming. Hãy tạo không gian để những ý tưởng được “xả” ra, tập trung và đều đặn.
Hãy đảm bảo mọi sự kiện kết thúc trong khung thời gian cho phép. Buổi họp hàng ngày cần kết thúc đúng trong 15 phút, không nêu ý tưởng và thảo luận vượt quá thời gian.
Hãy đảm bảo mọi cuộc họp đều đi đúng mục tiêu ban đầu. Các buổi họp Planning là để lập kế hoạch, buổi họp Retrospective là để đánh giá lại quy trình… không thảo luận những ý tưởng bất chợt, không liên quan.
Hãy đảm bảo mọi thảo luận đều phải có kết luận cụ thể. Làm, không làm, để sau tính. Không kết thúc cuộc thảo luận, họp mà không có kết luận cụ thể. Không chuyển sang thảo luận trên chủ đề khác khi chủ đề trước đó bị bỏ lửng.
Hãy luôn nhớ tới Product Backlog. Bất cứ khi nào thành viên có ý tưởng, viết ra, đặt vào một nơi tập trung, Ideas Bag, Brown Bag… PO sẽ cùng nhóm xem xét để đưa vào Product Backlog và làm rõ sau.
Hãy thực thi. Thảo luận không có giá trị cho tới khi việc thực thi mang lại kết quả. Hãy đảm bảo những thảo luận phải được chuyển hoá thành hành động với sản phẩm cụ thể.
Cụ thể hoá và đo lường. Nhóm phải cụ thể hoá ý tưởng trước khi thực thi. Và hãy nhớ đo lường. Nếu không, ý tưởng nào cũng tốt hoặc tệ như nhau.
Kết
Trong đào tạo Agile/Scrum, những trainer luôn đề cao vai trò của nhóm, cho rằng tri thức của nhóm là tốt – điều này không sai. Song nếu nhóm không tỉnh táo nhận biết những gì nên thảo luận trong toàn nhóm, những gì nên giải quyết bởi cá nhân, việc hình thành tri thức nhóm sẽ dẫn đến chi phí khủng khiếp. Những thành viên với kỹ năng chính là testing tham gia thảo luận về kiến trúc với lý do “đóng góp một góc nhìn khác”, nhóm phát triển tham gia bàn quá sâu về kế hoạch marketing sản phẩm (không liên quan tới công nghệ)… không hề hợp lý. “Góc nhìn khác” đôi khi mang lại giá trị, song hãy nhớ, “đôi khi” – đánh đổi quá nhiều công sức chỉ để chờ đợi một “đôi khi” là lãng phí.