“Tinh thần MVP” là gì vậy trời?

Sau giai đoạn nhà nhà nói về “tinh thần Agile” như một thuật ngữ cửa miệng, giờ người ta bắt đầu nói về “tinh thần MVP”.

Nhưng giống như bao nhiêu thứ “tinh thần” khác được hô hào, cổ vũ mà thiếu nền tảng và thực hành rõ ràng – rất nguy hiểm. Chạy theo “tinh thần Agile” mà thiếu thực hành tạo ra một nhóm hỗn độn. Chạy theo “tinh thần MVP” mà thiếu thực hành tạo ra một sản phẩm tạp nham.

Tôi bắt đầu gặp nhiều nhóm làm sản phẩm với một công cụ MVP duy nhất là “tinh thần”:

  1. MVP không đồng nghĩa với kém chất lượng. “Có bug chút cũng được, chắc gì đã có ai dùng”. Nếu bạn đã không tin sẽ có người dùng (chức năng đó), tại sao lại làm? Rồi bạn sẽ biết người dùng không sử dụng do chức năng đó thực sự không nằm trong nhu cầu của họ hay nó tệ đến mức không thể sử dụng? Chúng ta có thể đặt nhỏ scope nhưng không được thoả hiệp với chất lượng.
  2. MVP không đồng nghĩa với “cứ làm đi”. MVP phải dựa trên giả định, phải tìm kiếm, nghiên cứu trước để củng cố phần nào cho giả định… MVP là công cụ để kiểm chứng lại giả định trong thực tế. MVP không phải là cứ có ý tưởng là lao vào làm, rồi để thực tế trả lời mà không định nghĩa rõ những giả định nào cần kiểm chứng.
  3. MVP rồi cũng phải dừng hoặc đi tiếp. Cần phân biệt rõ ràng, test là test. Khi đã đủ dữ liệu để kiểm chứng giả định, học từ đó và quyết định: đi tiếp hay dừng lại. Đã quyết định dừng lại thì phải thẳng tay loại bỏ chức năng không hữu ích. Đừng biến sản phẩm thành bãi rác.

Một sản phẩm làm sao phát triển bền vững nếu nó cứ loanh quanh trong việc “test” để tìm ra phần hồn của mình? “Tinh thần MVP” không có thực hành sẽ tạo ra một mớ hổ lốn không còn đúng với nguyên lý 80/20 mà chính MVP theo đuổi nữa.