Ở Việt Nam, nhiều tổ chức bắt đầu chuyển mình sang thực hành Agile/Scrum. Và như một lẽ tự nhiên, nhu cầu tìm kiếm / tuyển dụng Scrum Master (SM) tăng cao. Lương thì vô kể, từ vài trăm tới vài ngàn USD. Khoảng cách rộng ghê gớm, song cũng hợp lý tuỳ thuộc vào chất lượng của SM.
- Mức thấp nhất, SM phải biết Scrum guide, tổ chức được các sự kiện của Scrum.
- Mức tốt hơn, SM phải có khả năng thu thập thông tin, giải quyết những trở ngại trong nhóm.
- Mức tốt nữa, SM phải đưa ra gợi ý cho nhóm, điều hướng tới những cải tiến.
- Mức tốt nữa, SM phải có khả năng huấn luyện, tư vấn ở quy mô ngoài nhóm và trong tổ chức
- …
Nói chung là nhiều level, cũng giống như developer vậy – từ đọc 1 vài cuốn sách “for dummies” hoặc stackoverflow là lập trình được đến hiểu rõ về ngôn ngữ, đến hiểu rõ về công nghệ, đến hiểu rõ về nguyên lý…
Nhưng điều khác biệt là test level một developer thì dễ hơn test level một SM. Để biết developer ở level nào, tổ chức dùng những developer hiện có để đánh giá. Để biết SM ở level nào thì lại không thể làm như vậy bởi trong đa số trường hợp, SM này là người duy nhất trong tổ chức có hiểu biết về Agile/Scrum. Tôi đang nói đến việc đánh giá khi tuyển dụng, khi SM đã làm việc trong tổ chức thì việc “đo đạc” cũng dễ hơn.
Không đánh giá được làm sao mà tuyển dụng? Làm sao mà đặt được mức lương? Chịu thôi. Thị trường còn mới thì các tổ chức phải chấp nhận giả định rằng chế độ mong muốn phản ánh năng lực và nhu cầu làm việc. Nếu tổ chức thiết lập vị trí SM mà tư duy rằng “SM làm gì mà hết được 8 giờ / ngày?” là đã sai ngay từ cách đặt bài toán; thì bất kỳ lời giải nào cũng sẽ không đúng.
Một cách đánh giá khác, là thông qua chứng chỉ. Chứng chỉ không phải tất cả nhưng phần nào phản ánh kiến thức và năng lực của SM. Chứng chỉ không quá quan trọng với developer vì trình độ của họ có thể test được khi phỏng vấn; song chứng chỉ khá quan trọng với SM vào thời điểm này (như đã nói ở trên). Và vì các chứng chỉ về Agile thì thường không rẻ, nên khi các SM đã đầu tư vào chứng chỉ thì họ cũng có mong muốn nhận về mức lương tương xứng cho ROI.
Thế là, các tổ chức thì nghĩ “SM có mang lại giá trị sản xuất trực tiếp đâu mà đòi lương cao?”, SM thì nghĩ “đầu tư nhiều vậy mà ROI như này thì sao làm được?” – nên họ có ít cơ hội gặp được nhau ở một tiếng nói chung.
Lại mới chi tiền và submit SEUs để gia hạn CSP. Lý do duy nhất là trót viết CSP vào Agile Y rồi, không gia hạn thì biến mất khỏi membership directory, anh em lại bảo “nhận bừa” thì cũng kỳ. Hay anh em tẩy dùm cái dòng đó ở #agiley đi, hoặc coi như em viết sai chính tả thôi để năm sau em khỏi mất tiền nữa, được không?