Việt Nam, điểm đến của những startup?

Ngay những ngày đầu năm, một bài viết khá thú vị “kêu gọi” các startup chọn Việt Nam làm điểm đến với hàng loạt những lý do khá hợp lý. Tuy vậy, sau sự kiện Atlassian chuyển công việc phát triển từ Việt Nam về Úc từ tháng 10 và eXo Platform có thể đóng cửa văn phòng, liệu Việt Nam có thực sự là một địa điểm nằm đầu danh sách những lựa chọn cho các startup? Tôi nghĩ là không hẳn, hoặc ít nhất phải sau khi chúng ta giải quyết được những vấn đề sau. Bài viết này chỉ đề cập tới môi trường startup trong lĩnh vực CNTT, nhưng tôi nghĩ cũng có những điểm tương đồng với những lĩnh vực khác.

Môi trường, chính sách, xã hội

Xét tổng quát, môi trường, chính sách và xã hội ở Việt Nam tương đối tốt với những startup, đặc biệt với ngành CNTT thì Chính phủ đang có những ưu đãi khó có thể tốt hơn. Tuy vậy, vẫn còn đó những vấn đề chung.

Không có nhiều đường bay thằng, giao thông không tốt. Startup cần nhanh và linh hoạt, việc tiết kiệm từng giờ cũng là quý giá. Thật tiếc là những chuyến bay thẳng tới những thành phố khác trên thế giới, nơi found của những startup như bây giờ vẫn chưa đủ nhiều, và tập trung ở Hà Nội và TP. HCM – 2 thành phố có hệ thống giao thông tệ nhất.

Không dễ sống với người nước ngoài. Việc đi lại thường xuyên đã khó khăn, việc ở một thời gian dài để làm việc tại văn phòng Việt Nam với người nước ngoài thậm chí khó khăn hơn. Khách du lịch có thể thích Việt Nam vì cuộc sống khá thú vị và nhiều trải nghiệm mới, nhưng để sống và làm việc lại là một câu chuyện khác. Ít người Việt nói tiếng Anh, dễ bị “lừa” từ chuyện đi lại tới ăn uống khiến ít người nước ngoài yên tâm làm việc. Không khí, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh sẽ là trải nghiệm thú vị khi du lịch, nhưng để sống như vậy, với tiềm năng mắc bệnh cao thì thực sự quan ngại.

Internet không tốt. Khó ở lâu dài, khó công tác ngắn ngày (lý do trên) thì Internet là cứu cánh cuối cùng. Tuy vậy, trong năm 2015 chúng ta có bao nhiêu sự cố với đường Internet quốc tế? Ít thôi, vì… thời gian xử lý mỗi đợt sự cố cũng mất hơn 1 tháng mà :). Ác mộng của chúng tôi là những cuộc họp mà thời gian phần lớn dành cho việc “thử lại kết nối” và lặp lại câu “nói lại đi, vừa mất kết nối rồi”.

Lệch múi giờ. Nhắc lại, startup cần nhanh và linh hoạt; vì thế việc trao đổi trực tiếp diễn ra liên tục. Giờ đây, email đã là quá chậm. Nhóm sẽ giảm bao nhiêu hiệu suất khi một ngày chỉ chung nhau từ 0-3 giờ để giao tiếp? Tất nhiên, không ai đưa được Việt Nam tới gần Mỹ, nhưng đây cũng là một vấn đề khi một startup muốn mở văn phòng ở Việt Nam lưu tâm.

Chi phí. Luật BHXH mới thực sự khiến các startup thất vọng khi ngay lập tức phải tăng quỹ lương khoảng 30%, mà phần lớn chi phí giai đoạn đầu là lương. Từ giờ, khi tăng lương 10 đồng cho người lao động, doanh nghiệp sẽ phải chi trả 13-14 đồng, đó là một con số đáng cân nhắc. Đã định không nói về vấn đề này, song thấy vẫn khó chịu bởi chính người lao động là người phản đối trong khi theo “quảng cáo” thì luật BHXH mới đảm bảo quyền lợi cho họ. Vậy là sao?

Nhân lực

Tiếng Anh. Tôi coi đây là trở ngại lớn nhất. Startup muốn phát triển nhanh cần hạn chế email, tăng trao đổi trực tiếp; tiếng Anh rất, rất quan trọng. Một đồng nghiệp của tôi hỏi rằng “Nhân lực CNTT Việt Nam có high educated không?” với định nghĩa rằng “high educated là có thể giao tiếp bình thường với thế giới bên ngoài”; và tiếng Anh là ngôn ngữ để trao đổi những hiểu biết chung về những vấn đề xã hội, văn hoá,… của thế giới. Tôi e rằng, tiếng Anh của mặt bằng nhân lực CNTT Việt Nam còn kém, trước khi nói tới chuyện hiểu biết văn hoá như: với phong cách châu Âu, ôm người khác giới, nếu là bạn bè thì đó là sự nồng nhiệt nhưng bị kiện vì tội quấy rối tình dục nếu làm việc đó với người xa lạ. Có một câu chuyện vui là: A, B là người Việt Nam, cùng với X là một cộng sự châu Âu; X nói với A rằng “tao thấy B bảo rằng một ngày mày chỉ làm việc 4-5 giờ cho công ty”; khi A hỏi B thì nhận được câu trả lời rằng “tao nói với X là mày làm việc 4-5 giờ tại văn phòng, còn lại làm việc tại nhà, nhưng dùng Google translate mấy từ nên chắc X hiểu nhầm”. Tiếng Anh như vậy là chết dở rồi.

Mặt bằng chung về kỹ thuật kém. Ở Việt Nam có rất nhiều người giỏi kỹ thuật, nhưng như vậy là chưa đủ để thu hút thêm startup, bởi số lượng đó vẫn chưa đủ cho những doanh nghiệp hiện có. Số còn lại thì quá kém và rất ảo tưởng. Có thời điểm, tôi thật sự chán nản với công việc tuyển dụng dù có đến hàng chục cuộc phỏng vấn. Chúng ta quá dễ dài trong việc gọi một lập trình viên là senior developer.

Năng lực phát triển thấp. Sinh viên năm thứ 3 ĐH ở châu Âu và Việt Nam nói chung không khác nhau nhiều lắm (trừ tiếng Anh); nhưng sau khi tốt nghiệp, 3-5 năm thì ở một trình độ rất khác. Vấn đề là đam mê, động lực đúng, khả năng tiếp cận tri thức mới với nhân lực Việt Nam kém. Nhưng lương thì vẫn cần tăng theo số năm làm việc.

Độ chuyên nghiệp kém. Chính điều này đưa tới năng lực phát triển thấp. Động lực đúng là vấn đề. Kỹ sư CNTT châu Âu nói chung làm ra làm, chơi ra chơi, chịu trách nhiệm với công việc của mình. Kỹ sư CNTT Việt Nam thì không như vậy, làm việc tuỳ hứng hoặc động lực là xong việc với người giám sát. Chúng ta có quá nhiều “ngày nghỉ”; dù Việt Nam là nước có số ngày nghỉ lễ thuộc hàng ít của thế giới, song cách chúng ta “xả hơi, chuẩn bị” trước và “uể oải” trở về sau mỗi kỳ nghỉ khiến số ngày nghỉ thực sự dài ra rất nhiều. Chìa khoá phát triển nhanh của startup là lòng tin. Nhân sự không chuyên nghiệp sẽ không có sự tin tưởng. Đồng nghiệp của tôi hay nói đùa rằng “Tao không thích tụi Ấn Độ, chúng nó nói được mà không tin được”. Có khi nào, nhân sự CNTT Việt Nam vừa không nói được (tiếng Anh), vừa không tin được?

Chi phí cao. Tôi chắc chắn rằng chi phí nhân lực CNTT cho startup so với hiệu quả mang lại là không thấp. Triết lý “một lập trình viên giỏi có hiệu suất làm việc bẳng 5-10 lập trình viên trung bình; và hiệu quả mang lại còn cao hơn nữa” hoàn toàn đúng. Chi phí cho một senior developer ở Việt Nam hiện nay là từ 2,500USD / tháng (lương, bảo hiểm, kỳ nghỉ, các phúc lợi khác…; tôi không biết cận trên) so với 8,000 USD / tháng ở châu Âu. Nhưng như trên, senior developer ở châu Âu được coi là “giỏi”, ở Việt Nam là “trung bình”, cùng với hàng tá những vấn đề về tiếng Anh, Internet, khả năng phát triển… thì đầu tư vào lập trình viên Việt Nam đôi khi không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Các ứng viên khi thương lượng với những start-up nước ngoài thường có suy nghĩ rằng “ở châu Âu họ nhận lương 4,000 USD / tháng, mình nhận lương 1,000 USD / tháng là doanh nghiệp hời quá rồi”. Không hẳn vậy như phân tích ở trên. Tôi không phủ nhận kỹ sư Việt Nam rất nhiều người xứng đáng nhận mức lương cao hơn nhiều 1,000 USD / tháng, nhưng mặt bằng chung thì không. Để Việt Nam trở thành điểm đến về mặt “giá nhân lực”, chúng ta cần giảm mặt bằng lương xuống hoặc cải thiện mặt bằng trình độ kỹ thuật, tiếng Anh, sự chuyên nghiệp hơn nữa.

Giờ đây, khi chúng ta vẫn đang có nhiều startup hướng tới Việt Nam, những vấn đề này có thể tạm thời được chấp nhận; kể cả lương, các doanh nghiệp cũng cố cạnh tranh bằng cách trả mức lương cao hơn giá trị nhận được. Nhưng để ngăn những sự kiện “ra đi” như Atlassian hay eXo Platform, và chào đón nhiều startup tới, ngoài những vấn đề xã hội, kỹ sư CNTT cũng nên chuẩn bị cho mình bằng việc cải thiện những yếu tố trên trước khi thấy tiền lương của mình không còn tăng theo thâm niên nữa, thậm chí là thất nghiệp.

Như đã nói, chúng ta có rất nhiều người giỏi, nhưng số lượng như vậy là quá nhỏ, chưa đủ. Phần lớn còn lại tạo nên một mặt bằng thấp, có khi nào dân CNTT sẽ lại như nhân viên ngân hàng bây giờ sau khi “qua thời vàng son”?