Khi cá nhân muốn cải thiện sự thành công, chúng ta thường có xu hướng mở rộng tập kỹ năng cũng như làm thêm việc. Doanh nghiệp cũng vậy, để cải thiện sự thành công, họ thường có xu hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh. “Sự thành công” ở đây được đo bằng thu nhập của cá nhân và doanh thu của tổ chức. Điều này khá dễ hiểu bởi chúng ta kỳ vọng “trứng sẽ không nằm trong một giỏ”, doanh thu sẽ được tăng lên khi thị trường tăng lên bởi việc kinh doanh nhiều lĩnh vực. Thời điểm chiến lược này được đưa ra thường là khi chúng ta nhận thấy việc tăng thêm thu nhập, doanh thu từ lĩnh vực hiện tại trở nên khó khăn hơn bởi chúng ta không còn duy trì được lợi thế cạnh tranh hoặc thị trường trở nên bão hoà hoặc chúng ta có “những đồng tiền rảnh rỗi”. Một ví dụ dễ hiểu là, khi một lập trình viên nhận mức lương $2000 / tháng, anh ta sẽ nghĩ tới việc dành số tiền tiết kiệm được cho việc mở 1 cửa hàng thời trang hay 1 hàng cafe; một doanh nghiệp kinh doanh gỗ sau khi một vài năm không tăng trưởng về mặt doanh thu, họ nghĩ mình nên mở rộng việc kinh doanh bất động sản.
Dù một cá nhân làm thêm một công việc nằm ngoài tập kỹ năng chính của anh ta hay một doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực kinh doanh, họ (anh chàng lập trình viên và CEO công ty kinh doanh gỗ) đều có một điểm chung, là họ đều có thêm 1 việc nữa cần hoàn thành. Và liệu họ có thực sự cần công việc này cho mục đích (cải thiện thành công) của mình? Không chắc chắn.
Bởi thật tiếc việc “thị trường đã bão hoà” thường là một nhận định không chính xác. Đúng hơn là “thị phần đã tới giới hạn với khả năng cạnh tranh hiện có” hoặc “thị trường đã bão hoà với khả năng sáng tạo hiện có”. Vì vậy, thay vì quyết định rằng “cần thêm một công việc nữa”, chúng ta hoàn toàn có thể dành nguồn lực đó (hoặc thậm chí, “cần bỏ thêm 1 công việc nữa” để có thêm nguồn lực) để cải thiện khả năng cạnh tranh hiện có. Bởi việc mở rộng sang một lĩnh vực khác ít liên quan sẽ làm chúng ta đánh mất năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh hiện có và rồi cũng sẽ lại loanh quanh với những vấn đề về mở rộng thị trường. Và vòng luẩn quẩn sẽ không có hồi kết: không mở rộng được thị phần / thị trường, mở rộng lĩnh vực kinh doanh…
Một lập trình viên, thay vì nghĩ rằng “cần thêm một việc nữa” và mở một cửa hàng thời trang – lĩnh vực mà anh ta hoàn toàn không có nhiều kiến thức và kỹ năng về kinh doanh – có thể lựa chọn việc dành thời gian, tiền bạc đó cho những khoá đào tạo nhằm nâng cao khả năng hiện có để có mức thu nhập lớn hơn. Tất nhiên nếu anh ta mở cửa hàng thời trang chỉ vì mục đích tăng thêm thu nhập, hoàn toàn không phải bởi anh ta đam mê kinh doanh. Hoặc anh ta nên kiếm thêm tiền từ việc mở một vài lớp học lập trình hay tiếng Anh, nơi anh ta có lợi thế cạnh tranh thực sự bởi những gì mình đang có.
Một doanh nghiệp kinh doanh gỗ, thay vì nghĩ rằng “cần thêm một việc nữa” và mở thêm lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có thể cắt giảm bộ phận giao vận hiện có để dành nguồn lực phát triển những sản phẩm gỗ tốt hơn. Hoặc họ nên mở rộng sang việc sản xuất giấy, nơi họ có lợi thế cạnh tranh bởi nguồn cung ứng sẵn có.
Facebook, sau khi đạt ngưỡng 1 tỷ người sử dụng, họ nghĩ rằng thị trường đã bão hoà (1 tỷ người sử dụng là một con số quá lớn để tin điều đó là đúng), họ mở rộng bởi hàng loạt sản phẩm mới, phần nhiều trong số đó được khai tử chỉ sau 1 tháng ra mắt. Hiện tại Facebook có 1,6 tỷ người sử dụng. Giờ đây, tôi tin rằng thị trường sẽ chỉ thực sự bão hoà khi Facebook có 7 tỷ người sử dụng.
Sự thành công của Apple ngày nay có công lớn của Steve Jobs, vì ông đã thẳng tay loại bỏ hàng trăm dự án và sản phẩm mà Apple đang có khi tiếp quản Apple vào năm 2005. Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy trong danh sách đó có nhiều những dự án rất tiềm năng, thậm chí có lợi nhuận không đến nỗi nào tại thời điểm đó. Nhưng nếu chúng không được đóng lại, Apple sẽ có hàng trăm sản phẩm “làng nhàng” và không có một iPod hay iPhone cực kỳ thành công. Bởi Steve Jobs dù có tài giỏi cũng chỉ có 24 giờ một ngày và chỉ ông hiểu được giới hạn của chính mình; nếu ông góp mặt vào 5 sản phẩm, đó sẽ là 5 sản phẩm xuất sắc; nếu ông dành thời gian cho 50 sản phẩm, đó sẽ là 50 sản phẩm trung bình. Apple giờ đây có quá nhiều tiền mặt, và việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh của họ đơn giản hơn bao giờ hết. Nhưng Tim Cook chắc hiểu rằng thêm 1 chiếc ô tô đồng nghĩa với việc iPhone sẽ không còn được chăm chút ở mức cần thiết. Tim Cook đã từng thử nghiệm “iPhone cho người có thu nhập thấp hơn” bằng phiên bản iPhone 5C và dù doanh số không đến nỗi tệ thì dự án đó cũng nên được đóng lại, thay thế bằng việc bán những chiếc iPhone phiên bản cũ với giá “mềm” hơn – cách mà Apple không cần bỏ thêm quá nhiều nguồn lực vẫn thu được hệ quả tương tự.
Satya Nadella, dù chịu mất hàng tỷ đô la Microsoft đã chi ra khi mua lại mảng điện thoại thông minh của Nokia, cũng biết rằng để khiến lĩnh vực đó sinh lời hàng triệu đô la mỗi năm là không khó, nhưng những nguồn lực đó có thể khiến ông mất nhiều tỷ đô la trong lĩnh vực điện toán đám mây. Người ta dễ dàng chỉ trích Steve Ballmer vì để Microsoft thất thế trong mảng di động dù đã đi trước Apple cả chục năm, nhưng lại rất khó để trả lời câu hỏi “nếu Steve Ballmer dồn nguồn lực vào mảng di động, liệu Microsoft có duy trì sự ổn định trong tăng trưởng và thu về hàng chục tỷ đô la từ mảng điện toán đám mây như bây giờ?”. Và nếu nghĩ khác, câu hỏi “nếu Steve Ballmer dũng cảm khai tử mảng di động, tập trung toàn bộ nguồn lực cho mảng điện toán đám mây, giờ đây Microsoft có thể thu về hàng trăm tỷ đô la từ mảng này?” còn khó trả lời hơn nhiều. Ít nhất đấy là cách Satya Nadella đang điều hành, thay vì cạnh tranh với iOS, Microsoft sống trên đó với hàng tá ứng dụng của mình như Outlook, Sunrise,…
Bởi vậy, bớt đi một công việc cũng quan trọng như làm thêm một công việc. Lợi ích không chỉ sinh ra khi làm thêm một công việc, lợi ích sinh có thể ra khi chúng ta quyết định bỏ đi một công việc. Việc xoá đi một dòng code hay loại bỏ một chức năng cũng có thể mang lại lợi ích như việc viết thêm một dòng code hay thêm vào một chức năng mới; bởi mã nguồn sẽ dễ đọc hơn, và người sử dụng sẽ thấy dễ dàng hơn. Sparrow, phần mềm ưa thích của tôi, từng một thời khuynh đảo thị trường (và được Google mua lại) vì đã làm rất tốt chức năng của một email client và chỉ như vậy, không tích hợp contacts hay calendar như những email client khác, là điển hình cho việc “làm xuất sắc một chức năng đúng”. Việc thêm một dự án có thể khiến doanh nghiệp có giá trị hơn về mặt hoành tráng khi có rất nhiều dự án, nhưng cũng khiến doanh nghiệp mất giá trị hơn trong việc kết nối những thành viên trong tổ chức và khiến các đội dự án chịu sự “lạnh nhạt” hơn từ những người quản lý. Dù rằng một số dự án có thể mang lại nhiều giá trị cho tương lai, nhưng nếu không tập trung vào những thứ hiện có, liệu tương lai có đến? Bởi hàng ngày chúng ta có quá nhiều lựa chọn, rất nhiều trong số chúng đều có tiềm năng lớn nên quyết định “thêm việc”, “giữ nguyên” hay “bớt việc” là khó khăn hơn rất nhiều. Đó thực sự là những cám dỗ và cạm bẫy. Tất nhiên, việc chuẩn bị cho tương lai là luôn cần thiết với mỗi cá nhân hay tổ chức, nhưng chúng ta cần nhận định chính xác việc gì “phải làm”, “nên làm” bởi nếu tất cả các ý tưởng đều trở thành “phải làm” đồng nghĩa với không một công việc nào trong số chúng “được hoàn thành tốt”. Do đó, mỗi cá nhân hay tổ chức cụ thể có những quyết định rất khác nhau dựa trên tình hình hiện tại của chính mình, mà chỉ họ mới thực sự hiểu capacity của mình. Bởi nghĩ tới “do the thing right” chỉ tới sau khi chúng ta quyết định được đó có phải là “right thing” hay không. Một việc không phù hợp nên được loại bỏ (hoặc trì hoãn) ngay cả khi nó đang được hoàn thành rất tốt. Chẳng phải “limit works in progress” là một trong những nguyên lý quan trọng của Lean mindset đó sao?
Có thêm một việc đã vốn không dễ dàng. Quyết định thực hiện còn khó khăn hơn. Bỏ đi một việc, ngay cả khi việc đó đang hữu ích, là khó nhất.
Hãy bớt đi nhiều nhất những lựa chọn, khi chỉ còn số công việc tối thiểu, chúng ta sẽ biết cách hoàn thành chúng ở mức độ cao nhất ngay cả trong thời gian rảnh rỗi.