A0

Tiêu đề ngắn nhất quả đất :). Nhiều người không biết A0 là tên viết tắt của Khối THPT chuyên Toán Tin ĐH KHTN – ĐHQGHN. Cũng vì tên viết đầy đủ thì dài quá (không đủ cho tờ giấy thi) nên mọi người thường gọi ngắn gọn là A0. Hôm nay tròn 50 năm thành lập, 15/09/1965 – 15/09/2015.

Không ai kiểm chứng chính xác, nhưng các thầy cô thường kể lại rằng: Ngày 15/09/1965, Khoa Toán-Cơ-Tin của ĐH KHTN (xưa là ĐH Tổng hợp) mở ra khối chuyên THPT, và theo truyền thống, các khoá của khoa Toán được đánh số là A1, A2, A…, khoa Lý là B1, B2, B… nên đặt tên khối THPT chuyên Toán là A0, vừa tiện để “đứng trước” bậc ĐH, vừa mang đặc trưng Khoa Toán. Vậy là cái tên A0 ra đời, đặt cho Khối THPT chuyên Toán ĐH KHTN – ĐHQGHN, sau này có thêm chuyên Tin nữa nên gọi là khối THPT chuyên Toán Tin.

Lựa chọn

Tốt nghiệp THCS thì cũng theo trào lưu “bỏ xứ mà đi” – nói theo cách văn vẻ, thực chất là thoát khỏi vòng kiểm soát của phụ huynh – thì tôi cũng tìm hiểu rồi đăng ký lấy 2 trường THPT ở Hà Nội. Sở dĩ không chọn chuyên Hạ Long cho gần nhà cũng vì.. gần quá, và nghe đâu bà cụ có quá nhiều bạn bè thân thích dạy ở THPT chuyên Hạ Long, nên có ra đó học thì mục tiêu cũng bằng huề (sau rồi cũng không thoát được). Lựa chọn (và theo đánh giá) thời đó còn lại Amsterdam, Marie Curie (nghe đâu chỉ dành cho dân Hà Nội nhiều tiền), A0 và THPT chuyên Sư phạm. Dù đăng ký và thi đỗ cả A0 và Sư phạm nhưng cuối cùng chọn A0 dù thời điểm đó THPT chuyên Sư phạm mới đúng chuẩn “con nhà nghèo vượt khó”. Nhưng cái tên KHTN nghe cũng có vẻ… khoa học hơn :). 

Ký túc xá

KTX là một nửa niềm vui của việc học xa nhà. Và ở A0 thì KTX còn thú vị hơn vì học sinh ở chung với sinh viên ĐH – tất nhiên là tụi học sinh thì vẫn ở chung phòng với nhau và cố gắng được thu gọn vào 1 góc cho dễ quản lý nhưng vì ở trong cùng một toà nhà nên chung mọi dịch vụ và chế độ. Thế nên tụi học sinh vừa có kiểu nghịch “ngu” của thanh niên choai choai, nhưng cũng “chơi” kiểu các anh lớn. Tất nhiên là mỗi kiểu một tí, nên nó cứ “nửa nạc nửa mỡ”, trông rất là ngứa mắt nhưng mà lại hay. Buổi sáng thằng thì nằm ngủ, thằng đánh đàn, thằng qua phòng đọc báo cứ như ai. Chiều tối chờ nhau tắm, rảnh quá mang bóng đá rầm rầm trong phòng – bị giám thị gọi qua lập biên bản thì mặt cứ câng câng như người lớn nhưng trong bụng vẫn sợ bị gửi thư về nhà. Tối đói à? Căng cái dây giữa 2 cái giường tầng làm lưới, đá cầu, ai thua thì đi pha mỳ tôm. Được hôm gia đình gửi cho lọ ruốc thì ăn vã cho bằng hết, mấy khi mở kho thóc Nhật. Tối buồn quá thì trùm chăn vào nghe truyện ma – rồi lại gặp giám thị và sáng hôm sau thấy xuất hiện tên trên bảng tin với nội dung “truyền bá văn hoá phẩm mê tín dị đoan”. Nửa đêm, muốn ra ngoài xem bóng đá thì mất cả buổi lên kế hoạch trèo tường ở đâu, chui lỗ nào… lúc nào bảo vệ ở đâu, đi đường nào – cứ như prison break, nhưng mà trèo lên mới thấy cái cổng rung rinh vì đang mở sẵn rồi. Đường hoàng mà ra thôi, vì quán chiếu bóng đá chính là nhà chú bảo vệ :D. Lần sau thì chẳng có trèo tường gì sứt, mở cổng mà ra, đường hoàng như một khách hàng.

Nói chung thì hội ở KTX cứ…thế quái nào. Nhưng mà sống sót yên ổn, giải quyết hết xung đột giữa 8 thằng con trai đang tuổi choai choai dưới một mái nhà cũng trui rèn cho con người khả năng giao tiếp ra trò. Đấy là hội học sinh chuyên còn được ưu tiên, chứ chuẩn cho sinh viên là 10-12 người / phòng thì chắc tan nát quá.

Ở KTX Mễ Trì thì còn có một điều đặc biệt nữa mà chắc không ai quên: hoa sưa.

“Kiểu” đại học

Vì là con đẻ của Khoa Toán nên khối chuyên thừa kế kiểu giảng – dạy của ĐH. Cũng giống như những trường THPT chuyên khác, việc học “nhanh, gọn, tập trung” được đề cao nhưng cơ chế ở A0 “thoáng” hơn do ít chịu ảnh hưởng từ Sở GDĐT. Tôi vẫn nhớ như in buổi học đầu tiên: 5 tiết liên tục, chỉ mỗi toán hình học, hết luôn lý thuyết 1 chương. Rồi, về tự làm bài tập đi, tuần sau học thêm 1 chương nữa. Sốc gần chết. Nhưng sau này được hưởng lợi rất nhiều khi qua học ĐH, cũng chơi suốt nhưng học (hoặc ít nhất ở mặt thi cử, điểm số) hiệu quả hơn do đã quen với phong cách vậy rồi.

Thích nhất là được nghỉ cả ngày thứ 7 và CN, tha hồ chơi, học, về quê, đá bóng… So với những trường THPT khác vẫn phải học thứ 7 thì thấy yêu vô cùng cái cơ chế này, nhất là với tụi xa nhà.

Thích nhì là không phải học thêm. Các thầy cô vẫn dạy ở những trung tâm ngoài, học sinh thích thì theo học, không thì thôi, được đối xử bình đẳng như nhau. Thậm chí nhiều thầy cô còn khuyến khích là không nên đi học thêm, vì chẳng được thêm gì đâu.

Ngày đó, ngoài những tiền theo quy định của Bộ GDĐT, nhà trường chỉ thu duy nhất thêm 1 khoản là “tiền trợ giảng”, 32.000Đ / học sinh / tháng. Không thấy nhập nhằng quỹ, phí này nọ như thường lệ. Đến giờ vẫn thấy văn minh quá.

Cơ chế “gà chọi”

“Tinh gọn và tập trung”, “hướng mục tiêu” là cách làm của các trường THPT chuyên, nhưng ở A0 thì đúng số 1.

Thời khoá biểu: 1 ngày học Toán, 1 ngày học Lý, 1 ngày học Hoá, 1 ngày học Văn, tiếng Anh, 1 ngày cho những môn còn lại. Ai xác định học để thi QG, QT thì chốt ngay năm lớp 10, 11 rồi, số còn lại thì mục tiêu cũng rõ ràng: thi ĐH hoặc đi du học. Vậy chỉ còn Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh là đường tới mục tiêu chung và cần được tập trung, các môn còn lại được tinh giản tốt đa. Riêng học sinh của đội tuyển thi QG, QT thì… không cần học gì cả để tập trung “ăn giải”.

Môn Tin học: không học gì khác ngoài lập trình và giải thuật. Vào học chuyên Tin không phải để học Tin học văn phòng. Ít kỹ năng cũng khiến cho kỹ năng đó được trau dồi tốt hơn. Đó cũng là lý do A0 thường giành nhiều giải GQ, QT hơn những trường chuyên khác. Năm học  2014-2015, A0 có 4/4 học sinh thi Olympic Tin Quốc tế dưới sự dìu dắt của thầy Hồ Đắc Phương.

Học sinh A0 không biết lập trình: Không khó hiểu lắm khi có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp A0 mà không thạo lập trình. Vì những học sinh không xác định thi QG, QT thì môn Tin học không còn là con đường để đi tới mục tiêu nữa.

Học sinh A0 không trượt ĐH. Không thầy cô nào xác thực chuyện này nhưng cá nhân thì chưa biết đến một trường hợp nào.

Học sinh A0 có xu hướng điểm cao. Nhiều khi để lấy học bổng thì điểm tổng kết TB cần lớn hơn 9.0 – một con số rất cao. Lý do chính là những môn học không quan trọng có xu hướng được “hạ chuẩn”. Đa phần những học sinh A0 có điểm thể dục trên 8.0 trong khi đây là con số mơ ước của môn học này của những học sinh tại những trường khác.

Thời đó có cô bạn cùng khoá viết một bài báo với tiêu đề là “ngôi trường 5 không”, giờ không còn nhớ chính xác là những gì nhưng trong đó có “không chào cờ”, “không đồng phục”, “không học thứ 7”… Thì đúng mà, tinh giản và hỗ trợ tối đa là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu.

Những thầy cô 

Những thầy cô ở A0 không nhiều và rất đặc biệt, mỗi người một phong cách riêng. Nhớ lắm thầy My với nụ cười tươi rói, mùa nào cũng mặc một chiếc áo khoác có rất nhiều túi (túi để đĩa mềm, túi để thuốc… rất khoa học), hết lòng vì học sinh và cương trực, nhưng rất giản dị, nhiều khi bị nhận nhầm là bảo vệ. Cô Hoa lúc nào cũng “bồng bềnh”, văn vẻ. Nhiều khi thấy thầy Giang đi mua bánh mỳ cho hai thầy cô ăn trưa mà thương (lúc đó thầy, cô đã gần 60 rồi). Thầy Hùng luôn mang giáo án là một tờ giấy nhỏ để trong túi áo.

Thầy My giản dị, gần gũi và cương trực. Thầy Lương luôn bắt đầu bài giảng bởi một bài toán cấp 2 và say mê biến đổi thành 30 bài toán khó hơn chỉ trong một buổi học. Thầy Thông chân thành quan tâm và luôn “tin” vào học sinh của mình. Đó là những người có ảnh hưởng nhất đến suy nghĩ và phong cách dạy sau này.

Truyền thống

A0 sống bằng “truyền thống ảnh hưởng và dìu dắt” của những đàn anh khoá trước tới những đàn em khoá sau với thầy cô làm cầu nối. Những hình tượng Ngô Bảo Châu, Lê Hùng Việt Bảo,… luôn được các thầy cô nhắc tới để những thế hệ học sinh sau không được dừng bước, và sẽ làm dài thêm danh sách này. Những anh lớn phải có trách nhiệm dìu dắt đàn em khi có khả năng, ít nhất là 1, 2 năm sau khi tốt nghiệp. Thông thường khi đội tuyển Tin cần tiền, thầy My chỉ cần gọi điện “Nam (già – anh Nguyễn Thành Nam) à, nộp tiền nhé, ừuuu, nộp tiền nhé”, rồi Khuê béo lóc cóc chạy lên toà nhà FPT lấy tiền – thế là xong.

Xưa thủa còn đi học thì bé quá, chẳng hiểu gì, chỉ thấy A0 “có vẻ khác” những trường THPT (thậm chỉ cả THPT chuyên) khác. Sau thì hiểu hơn cách làm của các thầy cô để tạo dựng được những lớp học sinh chất lượng. Ở A0 có một thứ thì đó rất khác, không ồn ào, hoa lệ nhưng ai đã là một phần trong đó đều cảm thấy niềm tự hào và gắn bó – như một biểu tượng trong đời.