Viết cho những chàng trai của tôi – những con người IT, chỉ một lần, theo cách này.
Tôi có may mắn được gặp và nói chuyện với rất nhiều bạn đang làm nghề IT, rất nhiều những con người tuyệt vời với đam mê dường như không bao giờ tắt. Nhưng phũ phàng, những con người ấy, là số ít trong ngành này. Phần lớn luôn gào thét, chửi bới và nguyền rủa công việc này – công việc vẫn hàng ngày mang đến cho họ cuộc sống.
Trong số đó, có các em tôi, những người vẫn ngày ngày thất thểu, chửi rủa rồi lại cam chịu. Tôi đã phải nói chuyện rất nhiều đứa em như vậy, và thật ra nguyên nhân thì đơn giản lắm. Nhưng phải chăng những chàng trai của tôi còn quá nhỏ để hiểu?
“Em muốn có một công việc tốt”. “OK, thế nào là tốt?”. Ai cũng muốn một công việc nhàn hạ và lương cao. Nhưng xã hội được điều tiết bởi thị trường cung-cầu. Mười năm trước, thịt lợn thì đắt khách, thịt bò thì không. Bây giờ, thịt bò đắt khách hơn. Và mình cũng như những miếng thịt thôi, bán sức lao động trí tuệ và cơ bắp để kiếm tiền. Khi xã hội phát triển đến trình độ cao hơn, đương nhiên, các ông chủ sẽ mua những miếng thịt bò, sẽ tuyển những người có trình độ và kỹ năng cao hơn. Chưa bao giờ nhu cầu tuyển dụng vào cho những “công việc tốt” lại nhiều như vậy trong ngành IT; hàng ngày ở VN có tới hàng trăm vị trí để mở với mức lương trên $1000, nhưng doanh nghiệp cũng không mấy khi tuyển được người. Thịt bò vì thế lại càng đắt, thịt lợn thì không. “Nên em không thể tìm được công việc tốt”, đương nhiên.
Nếu em là sinh viên vừa tốt nghiệp, với tấm bằng loại trung bình, và tấm bằng đó phản ánh đúng năng lực và kỹ năng. Nhà tuyển dụng “mua” em với mức $250/tháng? Hãy mau chóng nhận lời vì đó là món hời lớn, dù rằng em sẽ phải làm việc vất vả trong công ty đó. Đó thực sự là món hời với em, vì tôi không bao giờ trả quá $200/tháng với “thịt lợn”, thậm chí là không mua. Những sinh viên giỏi, thật tuyệt là các em có thể kiếm được mức lương gấp đôi như trên. Cuộc sống luôn sòng phẳng, các doanh nghiệp cũng vậy. Nếu em muốn nhận mức lương $1000/tháng, vui lòng mang về cho doanh nghiệp tối thiểu $5000/tháng – tức là gấp 5 lần mức lương nhận được. Thật trớ trêu, những người có trình độ, kỹ năng càng kém lại càng khó khăn hơn, thậm chí cản trở doanh nghiệp đạt mục đích này. Và dần dần, thịt lợn bị đẩy ra ngoài cuộc chơi.
Đây không chỉ là thực trạng của ngành IT, mọi ngành nghề khác đều như vậy – không có cuộc chơi cho người thiếu kỹ năng. Vì thế doanh nghiệp thì vẫn cần; trong khi ngoài xã hội, vẫn có những con người hàng ngày gào thét “tao thất nghiệp”, “tao không có công việc tốt”.. Việc làm sáng suốt hơn là hãy chấp nhận đó là công việc “đủ tốt” với khả năng của mình; hoặc thay vì gào thét, dùng thời gian đó để nhanh chóng chuyển hoá thành “thịt bò”, cuộc sống sẽ “tốt” hơn.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng của dân IT là sự thiếu chuyên nghiệp, hay thậm chí là vấn đề đạo đức. Minh chứng rõ ràng nhất là sự so sánh ngu ngốc. Những con người là dân Công nghệ thông tin lại chẳng hiểu thông tin là gì. Hàng ngày chúng ta tiếp xúc với một đống hổ lốn và đọng lại trong đầu là những dữ liệu vô giá trị. “23 tuổi, chủ quán cơm, thu nhập 100 triệu/tháng”, “bỏ học, lập công ty, thành triệu phú khi 22 tuổi”.. bỗng dưng trở thành những hình tượng, lá cờ đầu đề dân IT đập bàn phím và quyết ra đi. “Thằng bạn em làm ngân hàng, lúc nào cũng quần áo lượt là, lương tháng chục củ”, “đứa bạn em làm môi giới BĐS, suốt ngày thấy check-in chỗ nọ chỗ kia, lương cao ngất”.. Tuyệt vời. Rồi em biết họ nghĩ gì không? Họ ước có thể mặc quần ngố đến văn phòng như em. Họ bỏ $10 để sửa máy tính, trong khi em chỉ cần gõ 10ph là xong. Niềm long lanh trong mắt họ, 10ph có thể làm ra $10.
Thật là ngu ngốc nếu em vẫn cứ mãi kêu than rằng làm trong ngành IT này là khổ. Khi em chưa trải qua những công việc khác, vui lòng đừng so sánh. Chẳng mấy ai trong ngành ngân hàng cảm thấy hạnh phúc với công việc thời điểm này khi lúc nào cũng phải tỏ ra van xin. Em nghĩ ca sĩ đứng trên sân khấu hát một buổi và đủ tiền sống cả năm? Mấy ai như Đàm Vĩnh Hưng? Những người khác phải học thanh nhạc cả chục năm để đi hát phòng trà, họ sướng hơn em chăng? Gần đây, một người em làm trợ giảng giúp tôi trong một khoá học, và bạn ấy đã phải thốt lên “Em không ngờ..”. Bạn ấy quá sốc khi nhận ra: Để có 1 giờ dạy cần ít nhất 1 giờ chuẩn bị; để có 1 giờ dạy tốt, cần ít nhất 2 giờ chuẩn bị. Và trong khi em kêu gào rằng mình phải OT thành 10h/ngày, thì những con người đó luôn làm việc 12h/ngày để có 4h “thực sự làm việc”. Và trong khi em kêu gào rằng mình phải “cắm đít” vào ghế 8h/ngày thì họ đứng 8h/ngày.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của anh chàng lái taxi Sân Bay: “Trước tụi em ổn lắm vì chỉ mình tụi em được vào sân bay. Từ khi Mai Linh, Taxi Group được vào thì cũng khó khăn hơn nhiều vì bên đó đông xe quá. Nhưng em nghĩ như vậy là hợp lý, phải có cạnh tranh chứ… Tụi anh lao động trí óc, được lâu dài, em thì không biết làm được mấy vì cũng vất vả, nhưng sướng hơn mấy ảnh cảnh sát này, giờ này mưa lạnh còn phải đứng ở đây, mình vào xe là ấm rồi.”
Cuộc đời vẫn thế – mỗi người mỗi việc – hãy tôn trọng công việc của mình và người khác. Hãy trân trong những gì đang có, coi nó là cảm hứng, đừng là gánh nặng.
Hãy làm cho mình tốt hơn, và cuộc sống sẽ tốt hơn.
Cho những chàng trai của tôi, cho sự đam mê trở lại. Như đã hứa, không chửi bới, không nặng lời 🙂
Being the richest man in the cemetery doesn’t matter to me. Going to bed at night saying we’ve done something wonderful… that’s what matters to me.
Steve Jobs